Chitosan là một trong những thành phần được bà con nông dân ưa chuộng sử dụng nhờ vào những tác dụng khá tốt đối với cây trồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Chitosan là thuốc gì và có độc hại hay không. Bài viết sau đây của Việt Nông sẽ giúp bà con nắm rõ một số thông tin về Chitosan cũng như công dụng của Chitosan đối với cây trồng.
Chitosan là thuốc gì?
Chitosan là gì và có nguồn gốc ra sao?
Chitosan là một loại Polisaccarit tự nhiên, có độ phổ biến thứ hai sau Cellulose. Đây là chất được tạo ra bằng cách chiết xuất thông qua quá trình xử lý phần vỏ của các loài giáp xác phổ biến như cua, tôm,… cùng với dung dụng NaOH có tính kiềm. Vì được tạo ra bằng cách này nên Chitosan còn được xem như một dạng deacetyl hóa một phần của chitin.
Xét về cấu trúc, Chitosan sẽ tương tự với Cellulose. Điểm khác biệt duy nhất về cấu trúc giữa hai chất này chính là nhóm OH nằm ở vị trí C2 của cellulose sẽ được thay thế bởi một nhóm amin. Chính vì cấu trúc này mà cả Chitosan và Cellulose thường được ví như chất xơ có nguồn gốc từ động vật.
Chitosan có độc hại không?
Một khi quyết định có nên sử dụng Chitosan hay không thì chắc hẳn nhiều bà con sẽ muốn biết độc tính loại chất này ra sao. Tuy nhiên, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì các đặc tính của Chitosan đa số đều tương tự với Cellulose nên sẽ an toàn.
Trên thực tế, Chitosan đã được chứng minh là một chất không gây độc hại, có khả năng phân hủy an toàn, không tạo ra những phản ứng miễn dịch hay tương thích sinh học nguy hiểm nào.
5 tác dụng nổi bật của Chitosan đối với cây trồng
Hiện nay, Chitosan được sử dụng khá rộng rãi trong nông nghiệp để giúp bà con thu được năng suất tốt hơn. Vậy những tác dụng cụ thể nhất của Chitosan đối với cây trồng là gì?
Sau đây là một số tác dụng nổi bật hàng đầu của Chitosan đối với cây trồng mà không phải ai cũng biết:
Chitosan giúp cây trồng kích thích tăng trưởng mạnh
Cây trồng được bổ sung lượng đủ Chitosan có thể giúp kích thích sự tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt đối với lúa giống khi được xử lý qua với Chitosan thì cây nảy mầm rất mạnh, cây lúa non thường sinh trưởng vô cùng khỏe và có khả năng kháng hiệu quả nhiều loại bệnh khác nhau.
Bên cạnh đó, ruộng lúa được xử lý đúng cách với Chitosan cũng cho năng suất cao hơn khá nhiều so với những ruộng không được xử lý với loại chất này. Từ đó, Chitosan có thể được xem như một thành phần hiệu quả trong việc kích thích tính sinh học, giúp tăng năng suất và sản lượng cho cây trồng một cách rõ rệt.
Kích thích, đẩy mạnh việc tạo củ và tăng kích thước trái cây
Đối với quá trình hình thành củ non trên các loại cây trồng như khoai tây, đậu phộng, khoai lang, nghệ, gừng,… Chitosan được xem như một chất kích thích sinh trưởng tự nhiên, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chitosan còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn cây ăn trái nuôi trái. Lúc này, việc xử lý cây trồng với Chitosan sẽ giúp kích thích trái cây nhanh lớn, phòng ngừa được nhiều loại sâu bệnh, côn trùng,… có khả năng tấn công vào trái non.
Đối với những loại trái cây có múi như cam, quýt hay bưởi da xanh,… việc phun bổ sung Chitosan theo định kỳ mỗi tháng kết hợp với các loại phân bón lá thích hợp có thể giúp trái phát triển nhanh hơn, màu sắc sáng và đẹp hơn và đặc biệt là phòng ngừa sâu đục quả tấn công vô cùng hiệu quả.
Chitosan – Thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn
Trên thực tế, Chitosan có thể được xem như một loại thuốc bảo vệ thực vật vô cùng an toàn cho cây trồng. Chitosan có khả năng giúp cây giảm được căng thẳng do thiếu hụt các chất dinh dưỡng hiệu quả. Từ đó, loại chất này còn giúp cây trồng tăng khả năng chịu hạn đáng kể, giảm nguy cơ bị các loài sâu bệnh hại cây tấn công.
Đặc biệt, Chitosan còn có thể phòng trừ được một số loại bệnh hại cây do các nhóm vi sinh vật gây nên như nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng,… vô cùng hiệu quả mà vẫn đảm bảo được an toàn cho cả môi trường và người phun.
Bảo vệ cây trồng khỏi các loại độc tố, bệnh hại
Chitosan là loại chất có khả năng liên kết tốt với các kim loại và khoáng cần thiết như sắt, đồng,… nhằm giúp cho cây trồng tránh được những mầm bệnh xâm nhập và gây ức chế quá trình sinh sản cũng như tạo ra các độc tố nguy hiểm.
Giúp cây trồng nhanh lành các vết thương, tổn hại
Chitosan có khả năng bám khá chặt vào màng sinh học và các phân tử sinh học cùng với các điện tích dương. Nhờ đó, Chitosan hoàn toàn có thể giúp cây trồng hồi phục, làm lành vết thương do tổn hại cơ học hoặc sâu bệnh, nấm hại gây ra với tốc độ nhanh hơn bình thường.
Bên cạnh đó, Chitosan còn rất có ích khi hoạt hóa quá trình tổng hợp, hình thành nhiều loại protein, trong đó có những chất rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng đối với cây trồng trong việc nhanh làm lành vết thương.
Qua bài viết trên, Việt Nông đã cung cấp cho bà con những thông tin hữu ích về các công dụng của Chitosan đối với cây trồng. Hy vọng từ đó, bà con có thể yên tâm hơn trong việc chọn Chitosan để giúp cây trồng phát triển tốt hơn.
Để biết thêm nhiều thành phần khác an toàn và tốt cho cây trồng, bà con hãy nhanh chóng liên hệ Việt Nông để được tư vấn cũng như chia sẻ nhiều thông tin bổ ích nhé!