Nguyên nhân, cách xử lý lúa ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ

Ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ là bệnh gây hại lúa phổ biến khiến nhiều bà con lo lắng tìm cách phòng, xử lý sao cho hiệu quả. Chính vì vậy, nhằm để giúp quý bà con có thêm kinh nghiệm nhận biết nguyên nhân, cách xử lý lúa bị ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn hiệu quả, Việt Nông xin chia sẻ ngay một số thông tin hữu ích qua bài viết sau đây!

Tìm hiểu tổng quan về bệnh ngộ độc phèn trên lúa

Nguyên nhân khiến lúa bị ngộ độc phèn

Lúa bị bệnh ngộ độc phèn do đất trồng chứa quá nhiều vật liệu sinh phèn như nhôm, sunfat sắt,… Khi đất trồng bị phèn, bà con sẽ dễ dàng nhận biết được thông qua việc quan sát nước và đất có màu sắc, biểu hiện gì.

Cụ thể, đất bị phèn nóng chủ yếu do phèn sắt gây ra sẽ có phần quanh bờ, gốc ruộng hoặc mặt nước xuất hiện váng màu đỏ. Đối với phèn lạnh chủ yếu do phèn nhôm gây ra thì nước vẫn sẽ trong xanh nhưng đất quanh bờ ruộng sẽ chuyển sang xám và có ít cỏ mọc lác đác theo chòm nhỏ.

Khi đất ruộng bị nhiễm phèn, những ruộng lúa đang trong giai đoạn mẫn cảm sẽ nhanh chóng bị ngộ độc phèn. Trong đó, cây lúa được xem là dễ bị ngộ độc phèn nhất khi đang trong giai đoạn cây non, còn nhỏ, nặng nhất là thời điểm từ 10 đến 30 ngày sau sạ.

Lúa bị nhiễm độc phèn nặng sẽ khiến cho tất cả các lá chuyển dần sang màu nâu và nhanh chóng lụi đi.

Nhận biết các dấu hiệu của lúa bị ngộ độc phèn

Lúa bị ngộ độc phèn sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng rất dễ nhận biết. Dưới đây là một số dấu hiệu của lúa bị ngộ độc phèn mà bà con nên quan tâm:

  • Cây lúa có màu hơi vàng.
  • Những đốm màu nâu bắt đầu xuất hiện ở những lá lúa già.
  • Lá dần chuyển sang màu nâu đậm hơn, có hiện tượng bầm tím và ngả sang màu vàng hoặc cam.
  • Lúa bị nhiễm độc phèn quá nặng sẽ khiến cho tất cả các lá chuyển dần sang màu nâu và nhanh chóng lụi đi. Từ đó, cây lúa cũng suy yếu nhiều hơn và chết dần.
  • Những cây lúa không chết thì sẽ phát triển rất chậm, lùn và nở bụi vô cùng kém.

Lúa bị ngộ độc phèn gây ra tác hại gì?

Ngộ độc phèn là một trong những bệnh gây tác hại khá nặng nề lên cây lúa. Cụ thể, một số tác hại thường thấy và nặng nhất khi cây lúa bị ngộ độc phèn bao gồm:

  • Làm cho cây lúa trổ bông rất nhỏ, nhiều hạt bị lép.
  • Vào thời điểm ruộng lúa bắt đầu có hiện tượng xì phèn, bệnh đốm nâu sẽ dễ dàng xuất hiện và tấn công cây lúa. Lúc này, bà con tiến hành nhổ cây lúa lên và rửa sạch rễ thì sẽ thấy rễ cây xoắn lại, có màu nâu đậm, xù xì và nhám.
  • Cây lúa không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng do phần rễ lúa bị gây hại nặng nề. Từ đó, ruộng lúa bị ngộ độc phèn sẽ trở nên èo ọt, các cây đều bị lùn, đâm chồi kém và làm giảm năng suất đáng kể.
  • Những ruộng lúa nào bị nhiễm phèn nặng có thể gây chết cây hàng loạt.

Cách phòng tránh, xử lý ruộng lúa bị ngộ độc phèn

Cách xử lý ruộng lúa trong tình trạng ngộ độc phèn tốt nhất chính là rửa phèn. Do đó, bà con nên tìm hiểu về vấn đề xả phèn cho ruộng lúa để đối phó hiệu quả loại bệnh gây hại nặng nề này.

Để xử lý rửa phèn cho ruộng lúa đúng cách, bà con có thể thực hiện theo hướng dẫn như sau:

  • Tháo toàn bộ nước ruộng cũ ra bỏ và bơm nước mới vào ruộng lúa. Bà con chú ý nên bơm ngập đất, sau đó để qua đêm rồi tháo cạn hết nước ra.
  • Đánh các rãnh song song, cách nhau khoảng từ 4 đến 5m để xả phèn cho ruộng lúa. Rãnh sẽ có độ sâu và chiều rộng 20cm, phần đầu nên đào mương sâu hơn để dễ dàng chắc nước phèn.
  • Tiến hành bón phân lân với liều lượng từ 150 đến 250kg/ha tùy theo tình trạng ruộng nhiễm phèn nặng hay nhẹ.
  • Nếu tình trạng nhiễm phèn quá nặng, bà con cần rải thêm bột vôi với liều lượng từ 20 đến 50kg.
  • Phun các loại phân bón lá vi lượng, NPK,… giúp lúa hồi sức nhanh. Khoảng từ 3 đến 5 ngày sau, bà con nhổ cây lúa lên, nếu thấy rễ trắng ra thì chứng tỏ cây đã hồi phục.
  • Tiến hành bón thêm các loại phân bón như Ure, DAP, KCl,… để bổ sung dưỡng chất tốt cho lúa.

Tìm hiểu tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ

Nguyên nhân khiến cây lúa bị ngộ độc hữu cơ

Ngộ độc hữu cơ là việc quá trình phân hủy chất hữu cơ trong đất tạo ra các axit hữu cơ gây hại cho cây lúa. Một số nguyên nhân chủ yếu khiến cây lúa bị ngộ độc hữu cơ chính là:

  • Đất ruộng bị thiếu oxy. Từ đó, việc này sẽ gây ra sự yếm khí ức chế gây nguy hại cho hệ hô hấp của cây lúa.
  • Bà con canh tác lúa liên lục trên cùng một rảnh ruộng làm cho phần rơm rạ của vụ trước bị chôn vùi trong đất. Theo thời gian, rơm rạ sẽ phân hủy trong đất bị yếm khí và phân hủy ra chất độc gây hại cho cây lúa.
  • Ruộng lúa được bón quá nhiều các loại phân hữu cơ chưa hoai mục.
  • Đất ruộng không được phơi ải và có chứa nhiều thành phần cơ giới nặng gây hại.

Dấu hiệu nhận biết ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ

Bệnh ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện trong giai đoạn từ 15 đến 30 ngày sau sạ cấy lúa. Khi bị ngộ độc hữu cơ, cây lúa sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Khi bệnh ngộ độc hữu cơ mới phát sinh: Lá cây lúa có màu vàng đỏ và bị khô từ chóp lá rồi lan dần xuống dưới. Đồng thời, lá lúa thường sẽ bị dựng đứng.
  • Bệnh ngộ độc hữu cơ nặng hơn sẽ khiến phần trên của lá lúa bị vàng đỏ đến ⅓ lá. Lúc này, cây lúa bắt đầu yếu dần, sinh nhánh ít và không phát triển. Phần rễ lúa đồng thời bị thối đen, bốc mùi hôi và không mọc thêm rễ mới.
  • Cây lúa bị lụi dần và chết đi nếu không được xử lý kịp thời.

Hậu quả nghiêm trọng do bệnh ngộ độc hữu cơ gây ra

Một khi lúa bị ngộ độc hữu cơ, hệ rễ lúa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, không có khả năng hút nước lẫn chất dinh dưỡng. Điều này khiến cho cây lúa dần suy giảm, chết rễ lúa,… nếu không được bà con canh tác nhận biết và xử lý kịp thời.

Toàn bộ thân trên của cây lúa sẽ bị ảnh hưởng cho cây mất dần khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Lúc này, cây lúa sẽ thấp, không đẻ nhánh, lượng bông và hạt giảm đáng kể. Cuối cùng, ngộ độc hữu cơ sẽ khiến cho năng suất lúa giảm mạnh.

Khi phát hiện lúa bị ngộ độc hữu cơ, bà con phải dừng bón phân đạm, NPK ngay lập tức.

Biện pháp phòng, khắc phục bệnh ngộ độc hữu cơ

Để phòng tránh và xử lý tình trạng ngộ độc hữu cơ trên cây lúa, bà con có thể tham khảo các cách sau:

  • Tiến hành thực hiện các biện pháp chống ngộ độc hữu cơ cho lúa như chủ động tưới tiêu, rải vôi, loại bỏ sạch các loại cỏ gây hại, khử chua cho đất,…
  • Các ruộng lúa cao cần được đánh rãnh và rút nước để đất được khô ráo, loại bỏ được các chất độc còn tồn đọng lại.
  • Bón vôi theo liều lượng thích hợp từ 60 đến 70kg/ha. Đồng thời, bà con nên tiến hành bón phân lân gấp đôi lượng bình thường cho ruộng lúa.
  • Khi phát hiện lúa bị ngộ độc hữu cơ, bà con phải dừng bón phân đạm, NPK ngay lập tức. Sau đó, tiến hành đưa nước vào ruộng với độ cao khoảng 5 đến 7cm để sục bùn sạch.
  • Tháo nước ra sau từ 5 đến 7 tiếng và để ruộng khô trong khoảng 3 ngày. Tiến hành bơm nước trở lại vào ruộng để rửa trôi bớt độc tố có sẵn.
  • Có thể dùng các loại hormone hóa giải độc tố để chống stress cho cây lúa.
  • Bón phân đầy đủ cho cây lúa, đặc biệt là bón thúc sớm để giúp cây lúa phục hồi và phát triển nhanh hơn sau nhiễm độc hữu cơ.

Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích xoay quanh tình trạng lúa bị ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ mà bất cứ bà con nào đang canh tác lúa đều nên tham khảo. Để tìm hiểu thêm về các cách chăm sóc, phòng trừ và xử lý bệnh khác trên cây trồng, quý bà con hãy liên hệ đến Việt Nông để được chia sẻ những thông tin chuẩn xác nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *